LUẬT HY SINH
Luật Hy Sinh
Nói về các luật thiêng liêng, một số chỉ tác động khi con người đã phát triển tới mức nào đó hay tác động theo chu kỳ, một số khác luôn luôn tác động và luật hy sinh thuộc về nhóm sau. Luật thể hiện ở mọi mức, như cha mẹ hy sinh cho con cái, và ở mức cao ta có đức Phật (nói chung các đấng cứu thế) hy sinh cho nhân loại, khi từ chối nhập Niết Bàn mà ở lại thế gian để cứu độ người trần. Do sự thiếu hiểu biết của con người, óc chia rẽ và sự mù quáng đã khiến luật thiêng liêng này bị hiểu lầm, luật được diễn giải theo lòng ích kỷ cá nhân và ý muốn được cứu rỗi cho riêng mình, dẫn tới niềm tin sai lạc như cho rằng đấng cao cả hy sinh để ai tin vào ngài sẽ được giải thoát.
Dù sự thật bị bẻ cong, nó vẫn là vậy, trong sáng nơi cõi của nó và luật quản trị sự xuất hiện rồi biến mất của vũ trụ, thái dương hệ, các giống dân, quốc gia, con người tái sinh.
Ý Nghĩa của Luật
Luật được hiểu là động lực để cho ra. Trong Thiên Chúa giáo, luật được nhấn mạnh qua hai ý là tha thứ và chuộc lỗi. Ý nghĩa của luật chỉ được hiểu rõ khi nhìn sự việc ở mức nhóm mà không phải cá nhân (thí dụ như giảng dạy rằng ai tin vào cái chết của đức Jesus sẽ được cứu rỗi, bỏ qua hàng triệu người khác trên thế giới không tin như vậy).
Thế giới hữu hình có được khi đức Thái Dương Thượng Đế cho thái dương hệ sự sống của ngài, vũ trụ thành lập cũng theo cách tương tự do sự hy sinh của Thượng Đế. Điều ấy không có nghĩa gì với ta ngoài việc đó là một biểu tượng. Đấng cao cả hy sinh khoác lấy vật chất để nhiều sinh linh có cơ hội tiến hóa. Ngài chịu sự bó buộc của vật chất qua bao thời gian mà nay khi nhìn lại ta thấy có những thành quả sau:
– Tâm thức người có tiến bộ, con người thức tỉnh nhiều hơn với thế giới bên trong và bên ngoài.
– Các hình thể khác nhau của sự sống trong các loài trong thiên nhiên tăng trưởng và hóa thanh bai hơn song song với nhau.
– Nhận thức mở rộng từ chiều đo này sang chiều đo khác, và ngày nay ta nói về chiều đo thứ tư cùng sự khả hữu của nhiều chiều đo cao hơn.
– Con người ngày càng làm chủ một cách khoa học hơn môi trường mà ta sống trong đó. Mấy trăm năm trước ta bắt đầu làm chủ đại dương (nước), ngày nay là triển vọng làm chủ không gian (khí), vượt qua được sức hấp dẫn của địa cầu.
– Từ sự sống ban đầu trong vật chất theo bản năng, ta tiến dần tới đời sống tri thức của người có ngã thức, và đến việc có trực giác nơi những ai phát triển thành bậc siêu nhân.
Những việc này có được là do lòng quyết tâm, sinh hoạt trong một số điều kiện của đấng cao cả. Tìm hiểu về ba mục tiêu:
– Sự phát triển tâm thức.
– Việc hóa thanh bai hơn của các hình thể.
– Sự sống đã thành giờ hóa sâu đậm hơn.
cho ta sự hiểu biết ít oi về những mặt thấp nhất của mục tiêu thiêng liêng. Để hiểu được chúng người ta cần có trực giác và ý niệm trừu tượng cao nhất, mà tâm thức con người có thể có được, thế nên mục tiêu có thể nằm ngoài mức nhận thức của con người. Mỗi khi tâm thức mở rộng hơn trước thì cảm nhận của con người khác đi, do đó ý niệm hy sinh được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy trình độ. Biết như vậy thì ta có thể nắm được ý sau, đó là đối với những đấng cao cả đã thoát vòng luân hồi sinh tử, việc trở lại cõi trần khoác lấy thân xác, đi sâu vào vật chất được xem là sự tử. Nhưng ai ‘chọn sự tử và chết đi, là được sống’. Nhờ sự hy sinh của các ngài mà vật chất được nâng lên một nấc cao hơn, các sự sống nhỏ bẻ được sống và tiến hóa, và khiến cho có thể có được sự tiến hóa của tâm thức bên trong. Tâm thức này, khi đi lên từ những loài dưới người trong thiên nhiên, cần việc làm của những bậc đã tiến xa để chúng có thể phát triển hơn.
Mỗi linh hồn sẽ tới lúc chủ ý hy sinh để mang lợi ích cho các linh hồn khác, hầu thúc đẩy sự tiến bộ của những kẻ sau tới đích của họ, và rồi đến một kiếp dưới hình thức này hay kia, cả thể giới chứng kiến sự hy sinh của họ, là điều mà ta gọi là sự hy sinh của một đấng Cứu Thế. Mỗi Vị như thế khi làm vậy, có được sự hiểu biết về ý nghĩa của mục tiêu thiêng liêng của Thượng Đế. Với đức Chúa, ngài đưa ra cho thế giới biểu tượng của sự tử và hy sinh, hay đức Phật bầy tỏ cho nhân loại thấy sự hy sinh và sự tử của dục vọng cá nhân.
Đây chỉ là hai thí dụ, và đề tài là một cho hết tất cả những ngài, là có sự tử của điều thấp để nhờ vậy giải thoát điều cao, ở mức rộng lớn hơn là cái chết của điều cao hơn, đấng tiến xa hơn hầu phóng thích điều chi thấp hơn. Nhưng bài học cần phải học, và là bài học mà nay con người đang học, là sự tử hiểu theo nghĩa con người gán cho nó lúc này, sự đau lòng và sầu não, mất mát và tai họa, vui sướng và đau khổ, chỉ là vậy vì con người đồng hóa với sự sống của hình thể, mà không phải với sự sống và tâm thức của linh hồn, với cái sau có tâm thức thiêng liêng và tiềm năng như của Thượng Đế.
Khi con người đồng hóa mình với tinh thần mà không phải hình thể, khi ấy họ hiểu được ý nghĩa của luật hy sinh. Anh sẽ tức thì chịu sự quản trị của luật, và là người cố ý chọn để chết nhưng không có đau đớn, sầu não và không cái chết thực sự.
Đây là bí ẩn của huyễn tưởng và ảo ảnh, là hai yếu tố cầm giữ mà tất cả những đấng Cứu Thế không còn vướng mắc. Các ngài không bị gạt gẫm nữa. Với sự phát triển tâm thức hiện nay của con người, ta sẽ mở rộng ý niệm về đấng Cứu Thế của luật hy sinh. Vào lúc này ta dùng chữ ấy chính yếu cho những linh hồn thuộc cung hai như đức Phật và đức Chúa, cung giảng dạy, nhưng ấy là một sai lầm do huyễn ảnh mạnh mẽ về tình cảm đã có từ lâu trước nền văn minh của ta. Thực sự thì đấng Cứu Thế cần được nhận biết như là các nhân vật tới để phụng sự con người, với việc có hy sinh nào đó theo nhiều đường lối và nhiều cách thức.
Họ có thể là chính trị gia, vua chúa, khoa học gia, nghệ sĩ, công việc của họ là cứu vớt, hồi phục, cải tiến và tỏ lộ, và thành đạt nhờ sự hy sinh của mình. Họ cứu giúp, nâng cao, hòa hợp, soi sáng và kết quả thực của việc làm của họ nhìn theo quan điểm lịch sử sau cùng, thì tốt lành; nhưng thường khi họ bị hiểu lầm, diễn giải sai và bị xét xử theo lỗi lầm của họ hơn là mục tiêu mà họ nhắm tới.
Luật hy sinhvà động lực để cho cũng có thể ghi nhận trong khắp các loài trong thiên nhiên, tức những hy sinh căn bản xẩy ra giữa các loài khác nhau. Thí dụ như tính chất cốt yếu của khoáng chất và hóa chất trong đất. Những hình thể khác của sự sống cần những chất này, và vật sau được hiến cho con người qua trung gian là thảo mộc, và qua nước khi ta uống và như thế, việc hiến tặng cũng diễn ra ngay cả nơi loài đầu tiên và đậm đặc nhất trong thiên nhiên (mà tâm thức còn rất xa tâm thức của người).
Công Việc Cứu Độ
Luật hy sinh còn có nghĩa là cứu độ và nằm sau mọi diễn trình tiến hóa, và nó đặc biệt có ý nghĩa rõ ràng trong nhân loại. Cái bản năng muốn tốt đẹp hơn, cái động lực muốn tiến bộ (thể chất, tình cảm và tri tuệ), nỗ lực cải thiện tình trạng, khuynh hướng nhân ái đang mau lẹ lan tràn trên thế giới, và cảm nhận về trách nhiệm làm người ta ý thức rằng mình có trách nhiệm với người chung quanh, tất cả là biểu lộ của bản năng hy sinh. Yếu tố này có ý nghĩa rộng rãi hơn ta tưởng:
– Kkhuynh hướng có tính bản năng này là cái quản trị luật Luân Hồi.
– Nó là động lực lớn có tính quyết định, thúc đẩy linh hồn Thượng Đế đi vào thành sự sống trong hình thể, buộc sự sống trên đường vòng cung đi xuống, tiến sâu vào vật chất.
– Nó cũng là điều thúc đẩy con người tiến bước trong cuộc phấn đấu cuồng dại, để có phúc lợi về vật chất.
– Cuối cùng nó là điều giục giã con người quay lưng với trần thể, và hướng tới những điều quan trọng về tinh thần; họ hy sinh điều mà họ yêu quí nhưng khám phá là chúng không làm họ thỏa mãn. Họ đã hy sinh điều có giá trị cao cho điều có giá trị thấp hơn, và phải quay trở lại cội nguồn của mình. Đó là câu chuyện đời của tất cả những người con của Thượng Đế sinh ra dưới trần, và tuy nó được kể bằng ẩn dụ trong kinh thánh, đề tài là một trong hết tất cả những kinh điển trên đời.
Cái thúc giục này để hy sinh, từ bỏ cái này để có được cái kia, chọn cách hành xử này và do vậy hy sinh cách khác, chịu mất để sau rốt có được, là câu chuyện nằm sau cuộc tiến hóa. Ta cần có hiểu biết về tâm lý để thấu rõ luật. Nó là cái nguyên lý quản trị chính sự sống. Khi sự thúc giục để hy sinh này hầu thắng cuộc, thành đạt, hay cứu vớt điều chi xem là đáng ao ước, được hiểu rõ, khi ấy trọn manh mối về sự khai mở nơi con người sẽ hiển hiện.
Cái khuynh hướng hay sự thúc giục này là điều khác với ham muốn, theo nghĩa sách vở về ham muốn được hiểu và nghiên cứu hiện nay. Ý nó thực sự muốn nói là sự xuất hiện điều chi thiêng liêng nhất trong con người. Nó là một khía cạnh của ham muốn, nhưng là mặt năng động, tích cực mà không phải là mặt cảm xúc, nhục dục. Nó là tính chất nổi bật của thiêng liêng.
Lòng Từ Bỏ
Chỉ dạy ta hay được nghe ‘Hành động mà không ràng buộc vào đó’ dẫn tới ý kế tiếp, là có lòng từ bỏ những gì ta đạt được, và do vậy đặt nền tảng cho việc từ bỏ. Người ta làm được mà không bị đau khổ và cảm tưởng mất mát, bởi nay ta đã có khả năng từ bỏ, điều thật ra luôn tiềm tàng trong chúng ta, là tách rời mình với những sở hữu có được.
Luật này làm việc theo nhiều cách, ở đây ta chỉ ghi lại vài ý nghĩa tổng quát cho bài học lớn cho mỗi người chí nguyện.
1. Đầu tiên, linh hồn phải từ bỏ phàm nhân. Trải qua bao thời gian nó đã đồng hóa mình với cái ngã thấp, và qua đó thu thập được kinh nghiệm, có được nhiều hiểu biết. Nay tới lúc phàm nhân ‘không còn quý’ cho linh hồn nữa, và vị thế của chúng đảo ngược. Linh hồn không còn đồng hóa với phàm nhân mà phàm nhân trở thành đồng hóa với linh hồn, và mất đi tính chất phân rẽ và vị thế của nó. Tất cả những gì thâu thập được qua phấn đấu và khó khăn lâu dài, qua đau khổ và hạnh phúc, qua tai họa và ước vọng được mãn nguyện, và tất cả những gì mà vòng luân hồi của cuộc sống quay mãi không ngừng, đã khiến linh hồn có được, Tất Cả phải được buông bỏ. Sự sống, đối với người chí nguyện, trở thành một loạt các diễn trình của việc buông bỏ, cho tới khi anh học xong bài học về lòng từ bỏ.
Trình tự của sự việc là lòng thản nhiên, rồi óc phân biện và sau rốt là buông bỏ (dispassion, discrimination, detachment). Người ta nên tham thiền về ba ý này nếu muốn gặt hái được kết quả của việc hy sinh, là sự tự do của linh hồn trong không gian và thời gian.
2. Thứ hai, linh hồn cũng phải từ bỏ chẳng những dây ràng buộc và thu hoạch qua việc tiếp xúc với phàm nhân, mà nhất định là từ bỏ luôn cả mối dây với những cái ngã khác. Người ta phải học là biết và gặp người khác chỉ ở cõi của linh hồn, và đây là bài học khó khăn cho nhiều kẻ. Họ có thể không chú tâm mấy đến chính mình và có thể đã học nhiều về việc buông bỏ cá nhân; họ có thể không quý lắm những thâu lượm có được do tiếp xúc với phàm nhân của mình, và đang học cách vượt qua tất cả những điều ấy, và có thể đã thành công phần lớn, nhưng tình thương của họ cho con cái, gia đình, bạn bè, thân quyến có tầm quan trọng bậc nhất đối với họ, và tình thương ấy cầm giữ họ thành tù nhân trong những cảnh giới thấp.
3. Thứ ba, họ không ngừng lại để nhận biết rằng tình thương của họ chính yếu là tình thương cho các phàm ngã, và do vậy chỉ có quan trọng thứ yếu cho linh hồn. Người chí nguyện bị đau khổ nhiều khi sống như thế, cho tới khi qua bao đau lòng và luôn mất đi điều chi họ rất yêu quý, tình thương của họ bước vào một giai đoạn mới, cao và thật hơn. Họ vượt lên trên cái ngã và có được trở lại - sau khi cảm thấy mất mát và đau khổ - những người mà nay họ thương yêu như là linh hồn. Khi ấy họ nhận ra là không có gì là mất mát mà chỉ có thâu đạt, và chỉ có gì là ảo ảnh, phù du và không thật mới biến mất. Họ có được con người thật và không bao giờ có thể bị mất nữa.
Đây là vấn đề thường có nhất cho cha mẹ nào là người chí nguyện, và họ học bài học qua con cái của mình, làm họ được giải thoát để tiến xa hơn trên con đường. Họ giữ con cái lại với mình, mà bởi vì điều này trái với luật thiên nhiên, nó diễn ra tệ hại. Đó là đỉnh cao của lòng ích kỷ mà nếu biết và nhìn kỹ, họ sẽ ý thức rằng muốn nắm lấy, người ta phải buông bỏ và muốn giữ lại thì ta phải thả ra. Luật là như vậy.
Linh hồn cũng phải học việc buông bỏ thành quả hay thâu hoạch có được khi phụng sự, và học phụng sự mà không ràng buộc vào kết quả, phương tiện, con người hay lời khen ngợi.
4. Thứ tư, linh hồn cũng phải từ bỏ ý về trách nhiệm đối với những gì mà bạn khác trên đường Đạo có thể làm. Có rất nhiều người phụng sự nhiệt thành giữ chặt lấy bạn cùng đường, và không buông bỏ họ hay sinh hoạt của bạn ở cõi trần. Đây là lỗi tế nhị vì:
- Nó che dấu lỗi bằng ý trách nhiệm chính đáng.
- Đó là việc theo sát các nguyên lý như họ hiểu, và
- Hay là kinh nghiệm thu thập được của người chí nguyện, cái còn thiếu sót.
Mối liên hệ giữa những bạn trên đường Đạo, phải thuộc về Chân nhân mà không phải phàm nhân. Dây liên kết là giữa linh hồn với nhau và không có tính cá nhân. Mỗi cá nhân hay phàm ngã đi theo con đường riêng, phải nhận trách nhiệm riêng của mình, thực hành thiên trách của họ, và giải quyết karma của riêng họ, và khi làm vậy họ trả lời với Thượng Đế và Chân Sư của mình, là Linh hồn. Và phải có trả lời. Mà nói vậy có nghe giống như sự tách biệt và đơn độc ? Nó quả là vậy đối với các sinh hoạt bên ngoài. Chỉ khi người phụng sự hợp tác theo quan điểm của sự liên kết bên trong giữa các linh hồn, thì công việc hợp nhất mới có thể tiến hành.
Việc tạo mối liên hệ bên trong, dựa trên mục tiêu duy nhất và tình thương là điều có thể làm được, và tất cả người chí nguyện phải phấn đấu, cố gắng đạt được. Ở cõi trần, do cái trí phân rẽ trong thời đại và thời điểm này, ta không thể có sự đồng ý hoàn toàn về chi tiết, phương pháp và sự diễn giải các nguyên lý. Nhưng mối liên hệ và sự hợp tác bên trong Phải được thiết lập và phát triển, cho dù có khác biệt ý kiến bên ngoài. Khi dây liên kết bên trong được duy trì bằng tình thương, và khi người chí nguyện từ bỏ ý có thẩm quyền với nhau, có trách nhiệm với sinh hoạt của nhau, mà cùng lúc kề vai sát cánh cho công việc chung, lúc ấy những dị biệt, đường hướng khác nhau, bất đồng ý kiến sẽ tự động được giải quyết.
Có ba qui tắc có thể quan trọng cho người chí nguyện vào lúc này.
1. Thứ nhất, hãy xem kỹ để không cho có rạn nứt nào xẩy ra cho mối liên hệ bên trong giữa các bạn trên đường. Dây liên kết của nhóm người phụng sự bên trong phải được duy trì nguyên vẹn.
2. Thứ hai, hãy theo đuổi bổn phận và nhiệm vụ của riêng mình, chu toàn trách nhiệm riêng, và rồi để yên cho bạn trên đường cũng được tự do như thế, không bị chi phối bởi tư tưởng và lời phê bình của ta. Có nhiều phương pháp và cách thức, và quan điểm thay đổi theo từng cá nhân; nhưng nguyên tắc làm việc là tình thương cho mọi người và phụng sự cho tất cả, cùng lúc duy trì tình thương sâu đậm ở nội tâm cho hết những ai mà ta được vận mạng đặt để làm việc với họ. Mỗi linh hồn tăng trưởng vào sự sáng nhờ phụng sự đã làm, kinh nghiệm thu thập được, lỗi lầm đã phạm và bài học đã thuộc. Nhưng công việc tự nó là một, đường Đạo là một, tình thương là một, mục tiêu là một. Đây là những điểm quan trọng ta nên nhớ.
3. Thứ ba, hãy luôn giữ trong công việc thái độ của tâm trí sinh ra từ hai qui tắc trên, và theo sát chúng. Quan điểm và nhận thức của ta là của riêng ta, và do vậy đúng đối với ta. Nhưng không nhất thiết là điều chi có vẻ rõ ràng, có tầm quan trọng thiết yếu với ta, cũng có cùng giá trị hay quan trọng đối với người khác. Một nguyên lý quan trọng đối với ta thì có thể được một cái trí khác giỏi dang hơn, của người tiến xa hơn trên đường, xem là biểu hiện một khía cạnh của một nguyên lý khác lớn hơn, hoặc là lời diễn giải của một nguyên lý tuy đúng và thích hợp vào một thời điểm, lại có thể được một cái trí khác có ứng dụng khác vào thời điểm khác.
Theo luật hy sinh, ba qui tắc này có thể được diễn giải như sau:
● Từ bỏ hay hy sinh khuynh hướng có lâu đời là phê bình và sửa lại việc làm của người khác, và do vậy duy trì sự kết hợp bên trong của nhóm. Lắm kế hoạch phụng sự đã lạc đường, và nhiều người phụng sự bị ngăn trở vì óc chỉ trích, hơn là bất cứ yếu tố lớn nào khác.
● Từ bỏ hay hy sinh ý là ta có trách nhiệm về hành động của người khác, và đặc biệt là của người chí nguyện. Ngược lại chuyện phải làm là coi sao cho việc làm của ta bằng được với họ, và trong nỗi vui phấn đấu và trên đường phụng sự, các dị biệt sẽ biến mất và đạt được sự tốt lành chung.
● Từ bỏ lòng hãnh diện của trí tuệ khi thấy đường lối và cách diễn giải của ta là đúng và thật, còn của người khác là giả và sai. Đây là đường lối của sự chia rẽ. Thay vào đó hãy theo con đường hòa hợp của linh hồn mà không phải đường của cái trí.
Những lời này có thể nghe nặng, nhưng đó là các qui tắc mà vị Thầy bên trong hướng dẫn hành động và tư tưởng của mình, khi làm việc với nhau và với đệ tử của ngài. Sự hòa hợp bên trong là điều thấy rõ với các ngài, đối với người chí nguyện thì chúng chưa phải là vậy, nhưng với các vị Thầy bên trong, sự dị biệt bên ngoài là điều đáng ghét. Các vị để yên cho người khác được tự do làm việc cho Thiên Cơ, và tập cho đệ tử của mình (bất kể ở bậc nào) phụng sự Thiên Cơ với sự tự do, vì chỉ với tự do, trong sự tự do và lòng hân hoan, với sức mạnh của tình thương hợp tác bên trong mà công việc tốt đẹp nhất làm được.
Các ngài tìm kiếm lòng chân thành. Việc sẵn lòng hy sinh cái nhỏ hơn khi cảm biết có chuyện lớn hơn là điều các ngài tìm kiếm, và điều`hướng dẫn các ngài là lòng từ bỏ ngay những lý tưởng có đã lâu, khi thấy được một ý khác lớn và bao trọn hơn. Lòng hy sinh niềm hãnh diện và cái ngã khi nhận ra sự vĩ đại của công việc, và sự khẩn cấp của nhu cầu ảnh hưởng sự hợp tác của các ngài. Chuyện thiết yếu là người chí nguyện học hy sinh điều không cần yếu, để công việc có thể tiến hành.
Tuy ta ít nhận ra, những kỹ thuật, đường lối và phương pháp khác nhau được xem là thứ yếu so với nhu cầu to tát của thế giới. Có nhiều đường lối và quan điểm, nhiều thí nghiệm và nỗ lực - dang dở hay thành công, và tất cả chúng đến rồi đi. Nhưng nhân loại còn đó. Tất cả chúng là bằng chứng cho sự kiện có nhiều cái trí làm việc, và có nhiều kinh nghiệm, nhưng mục đích giữ nguyên. Sự dị biệt luôn thuộc về cái ngã. Khi luật hy sinh này quản trị cái trí, chuyện không tránh được là nó sẽ khiến mọi người chí nguyện từ bỏ cái tôi riêng tư để lấy cái phổ quát và linh hồn, là điều không hề biết phân rẽ, khác biệt.
Khi đó, không có lòng hãnh diện, tầm nhìn không thiển cận, hẹp hòi, không có lòng muốn can dự (mà nhiều người ưa làm), hay sự hiểu lầm nào về động lực, sẽ cản trở sự hợp tác của họ với nhau như là người chí nguyện, hay việc phụng sự thế giới của họ.
Do ảnh hưởng của luật hy sinh, đơn vị nhìn ra trách nhiệm, đồng hóa mình với tổng thể và học được ý nghĩa huyền bí của lời sau:
– Không có gì (lòng hy sinh) nhưng có tất cả (tánh đại đồng).
Sách ghi vào lần chứng đạo thứ tư con người đạt lòng Từ Bỏ lớn lao, khi ấy tất cả được từ bỏ để người ta được giao phó tất cả hầu dùng cho sự tốt lành chung. Ngày nay hằng ngàn người đã phát triển tinh thần này, biểu lộ ý thức đại đồng
Luật hy sinh có chỗ như thế nào trong nền văn minh ? Ta nên biết rằng một nền văn minh và văn hóa là sự biểu lộ ra bên ngoài - được biến cải, thích ứng, thay đổi theo nhu cầu quốc gia và con người - của sinh hoạt của các Vị trong Thiên Đoàn - Hierachy vào thời điểm ấy, và đệ tử của các ngài.
Kế hoạch, sự suy nghĩ và lực sống động của các Vị tuôn ra không ngừng và ảnh hưởng tâm thức đệ tử của mình; nhóm người sau hạ thấp xuống dòng năng lực tuôn vào, khiến cho ai có lý tưởng, ai biết suy nghĩ có thể nắm bắt những chân lý mới đang lộ ra được chính xác hơn. Sau cùng những chân lý được nắm giữ này thay đổi tâm thức của nhân loại như là một khối chung và nâng nó lên cao hơn.
Luật hy sinh tác động ra sao nơi các đấng cao cả ? Ta có thể ghi ra vài ý sau:
● Sự hy sinh mà Hành Tinh Thượng Đế làm khi ngài quyết định nhập thế, hay khoác lấy hình thể là hành tinh này. Nó có do sự lựa chọn tự do, được thúc đẩy do quyết tâm làm đấng Cứu Thế cho hành tinh, theo cùng nghĩa như các đấng Cứu Thế đến với nhân loại. Ngài là mẫu mực cho tất cả những đấng Cứu Thế.
Người chí nguyện ở mức nhỏ bé của mình, phải học làm việc như một người cứu thế, và do vậy thể hiện luật hy sinh qua ý chí được phát triển, thanh khiết, có suy luận, mà không phải chỉ vì tình thương sôi nổi cùng hành động của nó. Ở đây ta có sự phân biệt căn bản. Hy sinh phải không được xem là ‘cho đi - giving up’ mà đúng hơn là ‘nhận làm - take over’.
● Sự hy sinh có tính bắt buộc theo ý trọn vẹn nhất, do khả năng của Hành Tinh Thượng Đế là đồng hóa trọn tâm thức của mình với linh hồn trong mọi hình thể của sự sống, tiềm ẩn bên trong chất liệu của hành tinh. Khi đảm nhận việc làm này ngài không có được chọn lựa nào theo nghĩa huyền bí, vì quyết định ấy nằm sẵn trong bản chất của ngài, ngài không thể từ chối lời khẩn cầu của bao mầm sống đang phấn đấu trong hình thể, đi tìm sự sáng. Sự nỗ lực và vươn ra ấy gợi nên đáp ứng nơi ngài, và điều chi ngài khởi sự thì theo luật hy sinh, còn đó và ngài sẽ hoàn thành phần việc, bất kể vô lượng thời gian ra sao.
Người chí nguyện ở mức nhỏ bé của mình, phải học cách làm việc như là kẻ nuôi dưỡng và cứu thế, của những mầm sống bên trong mọi hình thể mà anh đồng hóa phần nào với chúng. Anh phải vươn ra đáp lại lời khẩn cầu của nhân loại, và sự quyết tâm của anh phải thúc đẩy việc sinh hoạt từ đó mà ra.
● Theo luật hy sinh này, Hành Tinh Thượng Đế tự buộc mình ở trên địa cầu bao lâu còn cần, xử sự như là mặt trời và sự sáng cho địa cầu cho đến khi xong nhiệm vụ.
Với người chí nguyện, họ thể hiện song song luật hy sinh, là ở lại trên trần thay vì tìm sự giải thoát riêng, làm việc như là thành viên của Thiên Đoàn cho những sự tiến hóa nhỏ hơn.
● Vẫn theo luật, đấng cai quản thế giới luôn đứng ẩn mình sau các sự việc, và các mầm sống không biết cũng như không nhận thức được ngài. Ngài tới để cứu chuộc cho tới khi chúng đạt thành người toàn thiện, và tới phiên mình thành những người cứu thế cho nhân loại. Khi ấy họ biết có ngài hiện hữu. Theo quan điểm của các hình thể của sự sống trong bốn loài của thiên nhiên, thì ngài không hiện hữu. Nơi con người đã phát triển, trước khi bước vào đường Đạo, họ cảm biết và mơ hồ tìm kiếm ngài dưới chữ tổng quát ‘Thượng Đế, ông Trời’. Về sau, khi đạt mức cao hơn, trong tâm thức người chí nguyện nẩy lòng tin tưởng, rằng đằng sau thế giới hiện tượng là một thế giới gồm các đấng cao cả mà mai kia họ có thể dự phần. Họ bắt đầu cảm nhận là đằng sau các đấng này có những Vị đầy quyền lực, minh triết và từ ái, dưới sự quản trị của đấng cao tột là Vị Chủ Tể Địa Cầu.
Tương tự vậy, người chí nguyện ở mức nhỏ bé của mình, học làm việc ẩn mặt đằng sau sự kiện, không ai biết và không được nhận ra, khen ngợi; anh phải hy sinh danh tánh của mình trong đời sống thường ngày cho danh tánh của Ashram. Anh thực hiện chuyện cần làm, và mang lại những thay đổi cần có mà không nhận phần thưởng, ngoại trừ phần thưởng là nhiều linh hồn khác nhờ vậy được cứu chuộc, nhiều sự sống được tái tạo và nhân loại được hướng dẫn tiến bước trên con đường trở về.
Luật hy sinh còn tác động theo cách khác, khi ta nhớ là mỗi loài trong thiên nhiên tùy thuộc vào, và lấy sự sống từ loài trước nó trong thời gian trong cuộc tiến hóa. Mỗi loài là một kho dự trữ năng lực và sinh lực cho loài kế tiếp sẽ tới theo Thiên Cơ. Theo ý đó:
– Chất cứng đặc của địa cầu sắp xếp thành những hình thể khoáng chất khác nhau. Những hình thể này tới phiên chúng chứa các nguyên tố nuôi dưỡng, và mang lại sức sống mà các hình thể khác đem vào mình làm chất dinh dưỡng.
– Sang thảo mộc, loài này lấy sức sống cho mình từ ba nguồn là mặt trời, nước và địa cầu. Phần khoáng chất của hai nguồn sau có tầm quan trọng hàng đầu cho việc tạo hình của cây cỏ. Cơ cấu thực của mọi hình thể được tạo bằng màng khoáng chất dần dần tụ lại theo thể sinh lực, màng này sẽ thành hình dáng theo động lực của thể. Từ tính của thể thu hút vào mình những khoáng chất cần thiết cho thân của cây.
– Với loài vật, chúng lấy sức sống chính yếu từ mặt trời, nước và thảo mộc. Khối khoáng chất cần cho cơ cấu bộ xương vì vậy có dạng tiến bộ và thăng hoa hơn, vì được lấy từ thảo mộc thay vì trực tiếp từ kim thạch.
Luật hy sinh ấn định bản chất của mỗi loài, nên mỗi loài có thể xem như là một phòng thí nghiệm, chuẩn bị các mẫu dưỡng chất cần cho việc cấu tạo những cơ cấu ngày càng thanh bai hơn.
– Loài người cũng theo y diễn tiến ,và lấy sức sống cho mình từ loài vật và mặt trời, nước và thảo mộc. Trong những giai đoạn ban sơ của con người trên địa cầu, thức ăn động vật do đó là thực phẩm đúng lý cho họ, vể cả karma lẫn bản chất; và ngày nay thức ăn đó vẫn đúng và thích hợp cho người chưa tiến hóa, theo quan điểm về hình thể động vật (ta đừng quên con người là động vật hữu nhũ). Như thế việc ăn thịt vào một giai đoạn phát triển của con người không là việc làm tàn ác.
Mỗi loài hy sinh cho loài kế tiếp trong chuỗi tiến hóa, vậy con người thì sao. Con người hay đúng ra là phàm nhân qua mỗi kiếp sống thu thập kinh nghiệm, làm Chân nhân phát triển, thể hiện thiên tính của mình. Từ người phàm ta có tiến bộ về sau là siêu nhân mà các đấng cao cả là thí dụ.
Ta vừa nói về luật hy sinh, giống như mọi việc trong cuộc sống là không có gì tự nó đứng riêng rẽ, mà có liên hệ với nhiều điều khác, luật là tác động chính yếu nơi các loài thấp, sang loài người luật phụng sự có tầm quan trọng hơn và sẽ được tìm hiểu vào một dịp khác.
Tham khảo:
– Esoteric Psychology, vol 1, 2, Alice Bailey
– Discipleship in the New Age, vol 2 Alice Bailey